Monday, November 29, 2010

3 kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam

Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam vừa được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý để Bộ Tài nguyên và Môi trường dùng làm cơ sở ban đầu để xây dựng các giải pháp ứng phó với BĐKH tại Việt Nam.

Nội dung của kịch bản này:

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng không phải là những điều chỉ nằm trong dự đoán tương lai. Thực tế, nó đã và đang diễn ra từng ngày, từng giờ trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, việc xây dựng kịch bản là nhằm đưa ra những thông tin cơ bản về xu thế biến đổi khí hậu, nước biển dâng của Việt Nam trong tương lai.

Theo Ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu, kịch bản biến đổi khí hậu sẽ được sử dụng trong nghiên cứu những hậu quả của biến đổi khí hậu do con người gây ra. Kịch bản của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở các nghiên cứu đã có trong và ngoài nước, các ý kiến chuyên gia, các nhà quản lý…


Ảnh minh họa

Lượng mưa tăng bất thường cũng là một trong những biểu hiện của biến đổi khí hậu - ảnh: Tuệ Khanh

Biến đổi khí hậu phụ thuộc vào hành động của con người

Theo các chuyên gia, kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng được xây dựng, tính toán dựa trên kịch bản phát thải khí nhà kính. Theo đó, có ba kịch bản biến đổi khí hậu tại Việt Nam được xây dựng dựa trên ba kịch bản phát thải, đó là phát thải thấp, phát thải trung bình và phát thải cao.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc, dự đoán thực tế sẽ xảy ra theo kịch bản nào, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thục cho rằng, đó là điều mà không một ai có thể khẳng định hay nói trước được. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào hành động của chính con người như: Lượng phát thải khí nhà kính, mức độ tăng dân số, cơ cấu kinh tế, các thỏa thuận quốc tế nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính có được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên phạm vi toàn cầu hay không.

Nếu thế giới phát thải ít, dân số không gia tăng, nếu ý thức bảo vệ môi trường của con người tốt thì thực tế có thể diễn ra theo kịch bản phát thải thấp. Khi đó, nhiệt độ của năm 2100 chỉ tăng từ 1,4 đến 1,7 độ tùy theo từng vùng. Tuy nhiên, nếu dân số tăng nhanh, nếu các nước tiếp tục gia tăng sự phát thải thì kịch bản phát thải cao rất có thể sẽ trở thành hiện thực. Khi đó, nhiệt độ có thể tăng từ 2,1 cho đến 3,6 độ, tức là mức tăng gấp đôi kịch bản phát thải thấp.

Kịch bản nước biển dâng cũng đã được xây dựng theo các kịch bản phát thải thấp - trung bình - cao. Theo đó, vào giữa thế kỷ 21, mực nước biển có thể dâng thêm lần lượt là 28 - 30 - 33 và đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển dâng thêm từ 65 -75 - 100 cm so với thời kỳ 1980 - 1999.

Dựa trên các kịch bản nước biển dâng, bản đồ ngập cũng đã được xây dựng, bước đầu là cho khu vực TP Hồ Chí Minh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Lấy kịch bản trung bình làm định hướng

Theo phân tích của các nhà khoa học, do tính phức tạp của biến đổi khí hậu và những hiểu biết chưa thật đầy đủ về biến đổi khí hậu của Việt Nam cũng như trên thế giới, cùng với yếu tố tâm lý, kinh tế, xã hội, tính chưa chắc chắn về các kịch bản phát thải khí nhà kính, tính chưa chắc chắn của kết quả mô hình tính toán xây dựng kịch bản nên kịch bản hài hòa nhất là kịch bản Trung bình. Kịch bản này được khuyến nghị cho các Bộ, ngành và địa phương làm định hướng ban đầu để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để ứng phó với tương lai, dựa vào các kịch bản, các địa phương sẽ tự xây dựng kế hoạch hành động cho phù hợp, trong đó có việc rút ra các kinh nghiệm từ thực tiễn của nhiều nước trên thế giới.

TS Trần Thục đưa ra lời khuyên, người dân ở các vùng có nguy cơ bị nước biển dâng ảnh hưởng có thể tự tìm cách thích ứng với hoàn cảnh bằng nhiều cách, trong đó có thể kể ra một số cách là: Gây trồng các loại cây chịu nước mặn, chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, mua bảo hiểm rủi ro,….

Theo kịch bản trung bình, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm có thể tăng lên 2,6 độ C ở Tây Bắc, 2,5 độ C ở Đông Bắc, 2,4 độ C ở Đồng Bằng Bắc bộ, 2,8 độ C ở Bắc Trung Bộ, 1,9 độ C ở Nam Trung Bộ, 1,6 độ C ở Tây Nguyên và 2,0 độ C ở Nam Bộ so với trung bình thời kỳ 1980 - 1999. Nhiệt độ ở các vùng khí hậu phía Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ tăng nhanh hơn so với nhiệt độ ở các vùng khí hậu phía Nam . Tại mỗi vùng, nhiệt độ mùa đông sẽ tăng nhanh hơn nhiệt độ mùa hè.

Cũng theo kịch bản trung bình, tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa ở tất cả các vùng khí hậu của nước ta đều tăng, trong khi đó lượng mưa mùa khô có xu hướng giảm. Theo tính toán, nếu kịch bản trung bình xảy ra, vào giữa thế kỷ 21 (khoảng năm 2050), mực nước biển có thể dâng thêm khoảng 30cm và đến cuối thế kỷ này, mực nước biển có thể dâng thêm khoảng 75 cm so với thời kỳ 1980 - 1999.




Tuệ Khanh-VnMedia

0 comments:

Post a Comment

 

Biến đổi khí hậu Copyright © 2009 Shopping Bag is Designed by Ipietoon Sponsored by Online Business Journal